Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 PDF. In Email
Viết bởi Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định   
Thứ ba, 10 Tháng 7 2018 08:06

Từ ngày 06/7 đến ngày 10/7/2018, Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Đây là hoạt động do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) cùng Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định phối hợp tổ chức.

Dự Hội diễn có NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, cùng đông đảo nghệ sĩ tuồng và khán giả.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn, trước khi đi vào những đánh giá cụ thể về chuyên môn đã nói lên quan điểm của mình về tên gọi, cách gọi “tuồng không chuyên”. Theo ông, gọi như thế là do tính chất về tổ chức, tự túc tự lập, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn về tài năng, trình độ, chất lượng nghệ thuật biểu diễn thì không thua kém các đơn vị, nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp.

Những tiến bộ chuyên môn biểu hiện toàn diện trên các mặt. Đó là các đoàn đã chọn mang đến Hội diễn hầu hết trích đoạn hay, cấu trúc chặt chẽ trên cơ sở vừa kịch tính vừa trữ tình, tạo được nhiều đất diễn, trò diễn để diễn viên thể hiện tài năng. Về nghệ thuật biểu diễn, đa số diễn viên đều hát hay (nhất là các vai đào võ, đào thương), múa đẹp (nhất là các vai kép văn pha võ, kép võ, kép xéo), diễn xuất tốt, một số đã vươn tới tính điêu luyện, hội tụ đầy đủ 6 yếu tố của nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.

NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: “Qua các trích đoạn, đề tài từ truyền thống đến lịch sử, hiện đại, một số nghệ sĩ, nghệ nhân đã có những tìm tòi, sáng tạo, đưa nghệ thuật sân khấu biểu diễn tuồng không chuyên lên một bước tiến mới và dài. Nhiều trích đoạn, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đã đạt đến tính chuyên nghiệp. Điểm nổi bật này là thành công lớn nhất của Hội diễn”.

Bên cạnh những nét lớn về ưu điểm, Ban giám khảo cũng chỉ ra một số hạn chế để mỗi đoàn và cá nhân diễn viên khắc phục, đó là còn dùng nhiều từ cổ, từ Hán Việt gây khó hiểu cho khán giả, tình trạng hát khó nghe, chưa rõ lời và nặng tiếng địa phương…

Hội diễn lần này đã quy tụ 15 đoàn, con số này vẫn rất ít so với thực tế khoảng 100 đoàn TKC đang hoạt động tại nhiều địa phương trên cả nước. Rất nhiều đoàn đã vắng mặt mà nguyên nhân chủ yếu là vì điều kiện tài chính khó khăn.

Phát biểu tại buổi bế mạc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung cho hay, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý đề nghị của Cục về việc tổ chức định kỳ Hội diễn TKC toàn quốc 3 năm/ lần, luân phiên tại những địa phương có đoàn TKC đang hoạt động, có truyền thống về nghệ thuật tuồng. Từ đây, “ngày hội” của giới TKC cả nước cũng sẽ diễn ra thường xuyên, ổn định như các loại hình sân khấu chuyên nghiệp khác, chấm dứt tình trạng hẫng hụt khi hội diễn sau cách hội diễn trước cả 12 năm…

Theo NSND Nguyễn Thị Hòa Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Bình Định, việc đưa hội diễn sân khấu TKC vào tổ chức định kỳ, thường xuyên đánh dấu sự quan tâm, đầu tư của ngành chức năng đối với mảng TKC, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy TKC phát triển bền vững hơn.

Theo www.baobinhdinh.com.vn

 

Công khai NSNN

Thời tiết

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRUNG TÂM VĂN HÓA TỈNH BÌNH ĐỊNH

Trụ sở chính:
Địa chỉ: 01 Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: (0256) 382.99.96
 
Cơ sở 2:
Địa chỉ: 242 Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: (0256) 352.05.09
 
Trụ sở cũ (chờ bàn giao):
Địa chỉ: 02 Phan Đình Phùng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: (0256) 3822.798
________________________________________________________________________________________________________________________________
 
Email: ttvht@svhtt.binhdinh.gov.vn
Website: www.ttvhbd.com.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Đ/c Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định
 
Bản quyền thuộc về Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định